Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 275
  • Trong tuần: 7101
  • Tất cả: 1891736
NHÀ TRƯỜNG CÓ VĂN HÓA MẠNH, VĂN HÓA TÍCH CỰC SẼ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Văn hoá nhà trường là hệ thống niềm tin, giá trị,chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình phát triển của nhà trường, được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho mỗi tổ chức sư phạm.

Văn hoá nhà trường có đầy đủ đặc tính của văn hoá tổ chức song nó có những đặc trưng riêng. Văn hoá nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nó biểu hiện trước hết trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý... bầu không khí tâm lý. Thể hiện thành hệ thống các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử... được xem là tốt đẹp và được mỗi người trong nhà trường chấp nhận.

Một nhà trường có văn hóa mạnh, văn hóa tích cực sẽ nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường vì:

-Văn hoá là một thứ tài sản lớn của nhà trường: Nhà trường là nơi bảo tồn vào lưu truyền các giá trị văn hoá nhân loại; Nhà trường là nơi đào luyện những lớp người mới, chủ nhân gìn giữ và sáng tạo văn hoá cho tương lai; Nhà trường là nơi con người với con người (người dạy với người học) cùng hoạt động để chiếm lĩnh các mục tiêu văn hoá, theo những cách thức văn hoá, dựa trên những phương tiện văn hoá, trong môi trường văn hoá đại diện cho mỗi vùng, miền, địa phương.

- Văn hoá nhà trường tạo động lực làm việc: Văn hoá nhà trường giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm; Văn hoá nhà trường phù hợp, tích cực tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong tập thể sư phạm, giữa giáo viên và học sinh; đồng thời tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, vuivẻ, lành mạnh. Đó là nền tảng tinh thần cho sự sáng tạo – điều vô cùng quan trọng đối với hoạt động sư phạm mà đối tượng là tri thức và con người; Văn hoá nhà trường tích cực giúp cho người dạy, người học và mỗi người trong lực lượng xã hội xung quanh có cảm giác tự hào, hãnh diện vì được là thành viên của tổ chức nhà trường, được làm việc vì những mục tiêu cao cả của nhà trường.

- Văn hoá nhà trường hỗ trợ điều phối và kiểm soát: Văn hóa nhà trường hỗ trợ điều phối và kiểm soát hành vi của các cá nhân bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc và bằng dư luận, truyền thống do những thế hệ con người trong tổ chức nhà trường xây dựng lên. Khi nhà trường phải đối mặt với một vấn đề phức tạp, chính văn hóa tổ chức là điểm tựa tinh thần, giúp các nhà quản lý trường học và đội ngũ giáo viên hợp tác, phát huy trí lực để có những quyết định và sự lựa chọn đúng đắn.

- Văn hóa nhà trường hạn chế tiêu cực và xung đột: Văn hóa nhà trường giúp các thành viên tổ chức thống nhất về cách nhận thức vấn đề, cách đánh giá, lựa chọn, định hướng và hành động. Nó tựa như chất keo gắn kết các thành viên lại thành một khối,tạo ra những dư luận tích cực hạn chế những biểu hiện tiêu cực trái với quy tắc, chuẩn mực thông thường của tổ chức. Nó hạn chế những nguy cơ mâu thuẫn và xung đột; và, khi xung đột là không thẻ tránh khỏi thì văn hóa nhà trường tạo ra hành lang pháp lý, đạo lý phù hợp để góp phần khắc phục, giải quyết xung đột trên nguyên tắc không để phá vỡ tính chỉnh thể của tổ chức nhà trường.

- Những biểu hiện của văn hóa tích cực trong nhà trường: Văn hóa nhà trường có thể là văn hóa mạnh hay văn hóa yếu, văn hóa tích cực hay văn hóa tiêu cực. Nền văn hóa mà đa số mọi nhà trường hướng đến là văn hóa mạnh, văn hóa tích cực vì nó mang lại sự phát triển cho nhà trường, mang lại sự thỏa mãn hài lòng cho tập thể, cá nhân và sẽ nâng cao chất lượng dạy học. Văn hóa tích cực về cơ bản bao gồm những biểu hiện như: Có nhu cầu chia sẻ rộng rãi mục đích và các giá trị giữa các thành viên; Coi trọng các chuẩn mực; Coi trọng việc học tập suốt đời của giáo viên và nhân viên; Coi trọng sự liên tục cải tiến của nhà trường; Coi trọng sự hợp tác và quan hệ đồng nghiệp; Coi trọng sự phát triển chuyên môn; Có các hoạt động truyền thống, có lễ kỷ niệm riêng; Công nhận sự cống hiến của đội ngũ; Biểu dương công trạng trên bảng thông báo và trong giờ sinh hoạt đầu tuần; Giáo viên được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động của nhà trường; Nhà trường có những chuẩn mực để luôn luôn cải tiến, vươn tới; Nuôi dưỡng bầu không khícởi mở, dân chủ; Coi trọng con người, cổ vũ sự nỗ lực hoàn thành công việc; Sáng tạo và đổi mới…

- Văn hóa tích cực sẽ nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường: Thực tế đã chứng minh những trường có chất lượng dạy học tốt đều là những trường có nền văn hóa tích cực. Văn hóa đó để lại ấn tượng ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất như việc sân trường giảng đường luôn được vệ sinh sạch sẽ, rồi cách treo băng rôn khẩu hiệu đến thái độ, lối cư xử của giáo viên, cán bộ công nhân viên và học sinh trong nhà trường đến phong cách quản lý…

+  Văn hóa tích cực tạo ra động lực, niềm say mê làm việc trong nhà trường, đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra chất lượng dạy học: có động lực con người sẽ cảm thấy hứng thú hơn, làm việc say mê hơn, nỗ lực cố gắng hơn để làm tốt công việc. Động lực cũng sẽ kích thích sự sáng tạo nhằm mang lại hiệu quả công việc. Nhờ đó mà chất lượng các hoạt động trong nhà trường nói chung và chất lượng dạy học sẽ được nâng cao

+Văn hóa tích cực giúp người dạy và người học có cảm giác tự hào, hãnh diện vì được là thành viên của tổ chức nhà trường, được làm việc vì những mục tiêu cao cả của nhà trường. Thực tế đã chứng minh khi được làm việc trong một nhà trường có nền văn hóa mạnh, văn hóa tích cực, những trường có thương hiệu thì đội ngũ giáo viên sẽ có cảm giác tự hào hãnh diện, từ đó luôn có động lực nỗ lực cố gắng phấn đấu để xứng đáng với niềm tự hào đó. Việc cố gắng nỗ lực luôn được duy trì từ thế hệ giáo viên này sang thế hệ giáo viên khác, do đó chất lượng dạy học của nhà trường luôn được đảm bảo và không ngừng được nâng cao.

+Văn hóa nhà trường giúp đội ngũ giáo viên và cán bộ công nhân viên thấy rõ mục tiêu, ý nghĩa và bản chất tốt đẹp của công việc mình làm, thấy rõ được dạy học là phải hướng vào học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Những khẩu hiệu nhắc nhở như “Vì lợi ích mười năm thì phải trông cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, hay “Tất cả vì học sinh thân yêu”… là điều chúng ta dễ dàng nhìn thấy khi bước chân vào nhiều trường. Chúng nhắc nhở mọi giáo viên trước mỗi ngày làm việc là phải biết hết lòng vì học sinh, mọi hoạt động trong nhà trường phải xoay quanh trục là học sinh, mang lại sự tiến bộ cho học sinh… Từ đó thúc đẩy mọi người cùng cố gắng phấn đấu để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục.

+Văn hóa tích cực còn tạo ra động lực làm việc thông qua việc tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp, tạo nên tình thương yêu chân thành giữa các thành viên và đảm bảo cho sự hợp tác vì mục tiêu chung. Mối quan hệ giữa các cán bộ, giáo viên vàn hân viên nhà trường là mối quan hệ đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Giữa các học sinh là sự đoàn kết, yêu quý, cùng nhau cố gắng. Học sinh luôn kính trọng và yêu quý thầy cô, ngược lại thầy cô luôn tâm huyết và nhiệt tình chỉ bảo học trò của mình. Văn hóa tích cực tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ, lành mạnh thúc đẩy sự sáng tạo, khuyến khích giáo viên, học sinh nỗ lực rèn luyện, học tập đạt thành tích mong đợi.

+Một nhà trường có văn hóa tích cực sẽ coi trọng sự phát triển chuyên môn, coi trọng việc học tập suốt đời của giáo viên và nhân viên, chính vì vậy đội ngũ giáo viên sẽ luôn được tạo mọi điều kiện để học tập không ngừng nhằm nâng cao trình độ. Bên cạnh đó nhà trường luôn khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các giáo viên, giáo viên luôn được chia sẽ học tập và được hỗ trợ từ những đồng nghiệp của mình. Tất cả những điều này làm cho chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao, đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.

+Giáo viên luôn được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động của nhà trường, ví dụ như việc đóng góp ý kiến trong việc giảng dạy các môn học… Việc huy động sức mạnh tập thể thường sẽ mang lại những giải pháp tối ưu nhất cho các hoạt động, nhờ đó mà chất lượng các hoạt động trong nhà trường nóichung và chất lượng dạy học nói riêng sẽ ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó,điều này là hoàn toàn phù hợp với xu thế quản lý hiện nay, người giáo viên không còn thụ động một chiều tiếp nhận sự tác động từ cấp trên. Họ có sự chủ động hơn, được lắng nghe, được đóng góp ý kiến cho sự phát triển của tập thể,họ cảm thấy mình quan trọng hơn, cảm thấy được coi trọng, được tin cậy. Từ đó bản thân mỗi người sẽ không ngừng cố gắng phấn đấu rèn luyện để khẳng định bản thân và nỗ lực không ngừng vì sự phát triển của nhà trường. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến việc chất lượng dạy học của nhà trường được nâng cao.

+Trong bản thân mỗi người luôn có nhu cầu khát khao được thể hiện mình, được khẳng định cái tôi cá nhân. Một nhà trường có văn hóa tích cực sẽ luôn tạo điều kiện cho mọi người (từ đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên đến các em học sinh) được thể hiện và phát huy tối đa tài năng và trí tuệ của mình. Bên cạnh đó thì mọi sự cố gắng, mọi sự cống hiến, mọi thành tích đều sẽ được công nhận thậm chí là biểu dương.  Đội ngũ sẽ cảm thấy mình được đối xử công bằng, vì vậy họ luôn nỗ lực cố gắng hết mình vì công việc, cố gắng hết mình để nâng cao chất lượng dạy học.

+Nhà trường có văn hóa tích cực sẽ luôn biết đặt sự kỳ vọng cao vào đội ngũ của mình. Chính vì là kỳ vọng cao nên sẽ tạo ra động lực, đòi hỏi mọi người phải luôn cố gắng nỗ lực mới đạt được. Những kỳ vọng này cuối cùng đều nhằm hướng đến nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.

+Văn hóa tích cực thúc đẩy, trân trọng và đón nhận những sự sáng tạo, tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.

+Trong một môi trường văn hóa nhà trường tích cực giáo viên cảm thấy thoải mái,dễ dàng thảo luận về những vấn đề hay khó khăn mà họ đang gặp phải. Họ sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, tích cực trao đổi phương pháp và kỹ năng giảng dạy, họ biết quan tâm đến công việc của nhau, biết cùng hợp tác với lãnh đạo nhà trường để thực hiện mục tiêu giáo dục đã đề ra.

+Thầy cô giáo là người trực tiếp tham gia hoạt động dạy học. Và hơn ai hết,chính nhân cách nhà giáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhân cách học trò. Nhân cách đó làm cho các em học sinh tin yêu vào cuộc đời và luôn cố gắng nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Vì vậy, chúng ta rất cần những nhà giáo ngoài kiến thức chuyên môn, phải hiểu biết rộng về cuộc sống, có kiến thức sâu sắc về văn hóa xã hội.

+Văn hóa nhà trường ảnh hưởng tích cực đến học sinh. Văn hóa tích cực tạo ra một bầu không khí tích cực, tạo ra môi trường thân thiện cho học sinh, làm cho các em học sinh cảm thấy gắn bó với trường hơn, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Như vậy người học sẽ có tâm thế thoải mái khi tiếp xúc với tri thức.Văn hóa nhà trường giúp học sinh cảm thấy mình được thừa nhận, được tôn trọng,cảm thấy mình có giá trị; học sinh thấy rõ trách nhiệm của mình, học sinh tích cực khám phá, liên tục trải nghiệm và tích cực tương tác với giáo viên, nhóm bạn; học sinh nỗ lực đạt thành tích học tập tốt nhất.

+Một nhà trường có nền văn hóa mạnh, văn hóa tích cực thường sẽ hội tụ được cái tốt, cái đẹp cho xã hội. Văn hóa nhà trường sẽ giúp cho nhà trường thực sự trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi hội tụ sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái trong xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sản phẩm giáo dục toàn diện.

-Tuy nhiên, bên cạnh những trường luôn giữ được nền văn hóa tích cực thì không ít trường, cơ sở giáo dục đang diễn ra những biểu hiện tiêu cực của văn hóa như: Một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên học sinh sinh viên ăn chơi đua đòi, sa vào các tệ nạn xã hội; Đạo đức nhà giáo thì xuống cấp nghiêm trọng,coi trọng đồng tiền hơn lương tâm danh dự người thầy; Tình trạng thiếu công bằng, gian lận trong thi cử, chuyện mua bán các kết quả học tập không còn là xa lạ; Bạo lực học đường, tình trạng học sinh đánh nhau rồi quay clip,học sinh đánh thầy cô, thầy cô đánh học sinh không còn là hiếm; Lâu nay giáo dục chúng ta coi trọng dạy chữ mà lơ là việc dạy người; coi trọng số lượng hơn là chất lượng. Khi đánh giá một học sinh thì chủ yếu người ta quan tâm xem em đó xếp loại học lực gì, đạt được những bằng cấp gì chứ mấy khi quan tâm xem nhà trường đã dạy em đó cách tôn trọng người già ra sao, cách yêu và bảo vệ môi trường thế nào.

-Để xây dựng văn hóa tích cực trong nhà trường cần phải thực hiện tốt các công việc sau:  Trước hết tự bản thân người hiệu trưởng, những người quản lý nhà trường cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa tích cực trong nhà trường. Hiệu trưởng cần xác định hệ thống các giá trị cốt lõi, các đặc trưng cần xây dựng trong nhà trường, thống nhất và hướng dẫn hành vi ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo các giá trị và chuẩn mực đã xác định; Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công nhân viên, giáo viên và học sinh về các giá trị văn hóa trong nhà trường; Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ giáo viên và người học; Đẩy mạnh vai trò của các tổ chuyên môn, đoàn thanh niên, công đoàn… và coi đó là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xây dựng văn hóa; Xây dựng môi trường cảnh quan văn hóa, khuôn viên sạch đẹp kết hợp với tăng cường cơ sở vật chất nhà trường lớp học; Phối kết hợp với các lực lượng giáo dục địa phương và gia đình; Tăng cường công tác kiểm tra,đánh giá và thông tin, truyền thông trong công tác xây dựng văn hóa nhà trường; Văn hóa phải được lồng ghép vào việc giảng dạy các môn học; Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường trong việc học tập, nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích phù hợp trong việc thực hiện văn hóa nhà trường.

 Tóm lại, “Một nhà trường tốt có chuẩn chất lượng cao, có kỳ vọng cao đối với học sinh, có môi trường giảng dạy và học tập tốt, hay nói cách khác là có văn hóa nhà trường tốt” (G.C. Urben,L.W.Hugies, C.J. Noris, 2004). “Chìa khóa của thành công là trái tim và tinh thần truyền vào các mốiquan hệ giữa con người, những nỗ lực của họ để phục vụ tất cả học sinh, và ý thức chia sẻ trách nhiệm trong dạy học. Nếu không có trái tim vàtinh thần được nuôi dưỡng bằng nhiều cách thức văn hóa, trường học trở thành nhà máy học tập, không có linh hồn và niềm đam mê” (Petersonand Deal, 2002). Việc xây dựng văn hóa nhà trường tích cực là vô cùng cầnthiết trong bối cảnh hiện nay vì: Một nhà trường có văn hóa mạnh, văn hóa tích cực sẽ nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.


Nhận diện văn hóa tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn- Ninh Thuận

- Văn hóa trường học là tập hợp các chuẩn mực, giá trị,niềm tin và hành vi ứng xử…đặc trưng của một trường tạo nên sự khác biệt với các tổ chức khác. Nó liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nó biểu hiện qua tầm nhìn, sứ mạng triết ký, mục tiêu, phong cách lãnh đạo, quản lý..quy tắc ứng xử được xem là tốt đẹp. Văn hóa nhà trường phải luôn được thay đổi theo hướng tích cực phù hợp với nhu cầu phát triển của học sinh và nhà trường mới. Trong nhà trường Hiệu trưởng là người quyết định chi phối sự phát triển của văn hóa nhà trường, vì thế trước yêu cầu về đổi mới giáo dục và giáo dục tòan diện nhà trường hiện nay cần phải xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường tích cực lành mạnh.

- Văn hoá trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Ninh Thuận giống như tảng băng có phần nổi, phần chìm:

+ Phần nổi: Tầm nhìn, chính sách, mục tiêu; Khung cảnh, cách bài trí lớp học; Logo, khẩu hiệu,bảng hiệu, biểu tượng; Đồng phục, các nghi thức, nghi lễ; Các hoạt động văn hoá, học tập của trường…

+ Phần chìm: Nhu cầu, cảm xúc, mong muốn cá nhân; Quyền lực và cách thức ảnh hưởng; Thương hiệu; Các giá trị; Các giả định ngầm…

- Những biểu hiện của văn hoá trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Ninh Thuận:

+ Nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau;

+ Mỗi cán bộ, giáo viên đều biết rõ công việc mình phải làm, luôn có ý thức chia sẻ trách nhiệm, tích cực tham gia vào việc ra các quyết định dạy và học;

+ Coi trọng con người, cổ vũ sự nỗ lực hoàn thành công việc và công nhận sự thành công của mỗi người;

+ Nhà trường có những chuẩn mực để luôn luôn cải tiến,vươn tới;

+ Sáng tạo và đổi mới;

+ Khuyến khích giáo viên cải tiến phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học; Giáo viên được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động của nhà trường;

+ Khuyến khích đối thoại và hợp tác, làm việc nhóm;

+ Chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi chuyên môn;

+ Chia sẻ quyền lực, trao quyền, khuyến khích tính tự chịu trách nhiệm;

+ Chia sẻ tầm nhìn;

+ Nhà trường thể hiện sự quan tâm, có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, lôi kéo cộng đồng cùng tham gia giải quyết những vấn đề của giáo dục.

- Ý nghĩa của việc phát triển văn hoá trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Ninh Thuận:

+ Sự phát triển của trẻ em chịu ảnh hư­ởng rất lớn của môi trường văn hoá xã hội nơi các em lớn lên; môi tr­ường văn hoá trường học thuận lợi giúp học sinh có nhiều cơ hội để phát triển; VHNT lành mạnh giúp giảm bớt sự không hài lòng của giáo viên và giúp giảm thiểu hành vi cử chỉ không lịch sự của học sinh; Tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học, khuyến khích GV, HS nỗ lực rèn luyện, học tập đạt thành tích mong đợi; VHNT lành mạnh nuôi dưỡng, hỗ trợ việc dạy và học.

+ Ảnh hưởng của văn hoá nhà trường đến giáo viên:Giáo viên cảm thấy thoải mái dễ dàng thảo luận về những vấn đề hay khó khăn mà họ đang gặp phải; Giáo viên sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn; Giáo viên tích cực trao đổi phương pháp và kỹ năng giảng dạy; Giáo viên quan tâm đến công việc của nhau; Cùng hợp tác với lãnh đạo nhà trường để thực hiện mục tiêu giáo dục đã đề ra; Bầu không khí cởi mở, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau tạo động lực để giáo viên quan tâm cải tiến nâng cao chất lượng dạy và học; Cải thiện thành tích giảng dạy và học tập của trường.

+ Ảnh hưởng của văn hoá nhà trường đến học sinh: Học sinh cảm thấy thoải mái, vui vẻ, ham học; Học sinh được tôn trọng, được thừa nhận, và cảm thấy mình có giá trị; Học sinh thấy rõ trách nhiệm của mình; Học sinh tích cực khám phá, liên tục trải nghiệm và tích cực tương tác với giáo viên, nhóm bạn; Học sinh nỗ lực đạt thành tích học tập tốt nhất; Tạo ra môi trường thân thiện cho học sinh: An toàn; Cởi mở và chấp nhận các nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của học sinh; Khuyến khích học sinh phát biểu/bày tỏ quan điểm cá nhân; Xây dựng mối quan hệ ứng xử tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau giữa thầy và trò.

- Nhận biết về văn hóa trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn –Ninh Thuận:

+ Dạy học hướng vào học sinh, lấy học sinh làm trung tâm;

+ Chương trình học đảm bảo tính học thuật, tính khoa học;

+ Phương pháp giảng dạy tích cực hoá người học, kích thích tự học;

+ Khuyến khích trao đổi chia sẻ kinh nghiệm;

+ Thúc đẩy, cổ vũ tinh thần hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm;

+ Đẩy mạnh bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên (Hiệu trưởng có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho GV; khuyến khích GV tích cực học hỏi, thường xuyên dự giờ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn;thiết lập quy trình, công cụ giám sát, đánh giá khen thưởng hợp lý, nhằm thúc đẩy GV cải thiện, nâng cao chuyên môn);

+ Chia sẻ vai trò lãnh đạo (hiệu trưởng và các giáo viên phải cùng làm việc,cùng hoạt động với tinh thần hợp tác và cộng tác);

+ Nuôi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo;

+Xây dựng mối quan hệ thân thiện, hỗ trợ, gần gũi với cộng đồng (Nhà trường luôn luôn hỗ trợ cộng đồng, cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt về giáo dục cho cộng đồng và ngược lại cộng đồng luôn luôn hỗ trợ lại nhà trường).

Các biện pháp quản lý văn hóa tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Ninh Thuận:

1.  Biện pháp xây dựng “phần nổi” của văn hóa nhà trường:

- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”:

        +Quan tâm xây dựng khung cảnh bên ngoài Nhà trường (Cổng trường, tường rào, nhà để xe...);

        +Chủ động quy hoạch khuôn viên Nhà trường, khu vực sân chơi, bãi tập, khu học tập, ...tạo không gian hợp lý mang tính giáo dục cao;

        +Tiếp tục đầu tư trồng cây xanh, cây cảnh, cây bóng mát, hòn non bộ... đảm bảo tiêu chí môi trường học đường an toàn, xanh, sạch đẹp;

        +Tổ chức trang trí lớp học,hành lang các phòng học, trang trí phòng làm việc... trang trí các bảng biểu tuyên truyền về tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu và hệ thống các giá trị của Nhà trường; tạo nên môi trường nhẹ nhàng, hài hoà giảm bớt sự căng thẳng ở giáo viên và học sinh.

        -Chú trọng xây dựng trang phục của CBGV và học sinh khi đến trường: Thực hiện mọi CBGV và học sinh thực hiện đúng quy định về trang phục khi đến trường, góp phần làm cho mỗi người tự mình phải trau dồi, rèn luyện phong cách, phẩm chất cho phù hợp với mục tiêu của việc xây dựng nhà trường văn hóa.

        -Quan tâm đến các hoạt động văn hoá trong trường học: Chú trọng đưa các hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc.

        - Hình thành thói quen ứng xử có văn hoá trong CBGV và học sinh:

        +Thói quen gìn giữ vệ sinh trường lớp; tiết kiệm năng lượng; không nói tục, chửi thề; không hút thuốc lá; không sử dụng điện thoại di động khi hội họp và giảng dạy...

        +Chống các biểu hiện thiếu công bằng, thiếu dân chủ, thiếu trung thực;

        +Bắt tay, chào hỏi, tặng hoa...lúc nào cho phù hợp...

        +Đi lại, đứng ngồi, xưng hô, nói năng, để xe... sao cho có văn hóa.

        2. Biện pháp xây dựng “phần chìm” của văn hóa nhà trường:

        - Khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẽ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các giáo viên và học sinh: Làm cho nhà trường thực sự là một tổ ấm thứ hai sau gia đình, mỗi giáo viên đều cảm thấy thoải mái, dễ dàng trao đổi, thảo luận, chia sẽ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong chuyên môn và cuộc sống.

        -Tạo bầu không khí tin cậy, thúc đẩy giáo viên quan tâm đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy học tập: Tạo bầu không khí thân thiện, gắn bó nhưng phải có sự phân cấp trong công việc, không nên đề cao uy quyền mà xác định mỗi người phụ trách mỗi lĩnh vực công tác khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến mục đích chung là chất lượng và hiệu quả công tác.

        -Tạo môi trường học tập thuận lợi nhất cho học sinh: Có môi trường học tập thuận lợi học sinh mới ham học, vui vẻ, thoải mái... Do vậy phải tạo được môi trường thân thiện giữa CBGV với học sinh.

        -Tạo môi trường thân thiện cho CBGV và học sinh: Phải xây dựng nhà trường là nơi thực sự an toàn, cởi mở và chấp nhận các nhu cầu hoàn cảnh khác nhau của học sinh, khuyến khích học sinh phát biểu bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, xây dựng mối quan hệ ứng xử tôn trọng, hiểu biết, học hỏi lẫn nhau giữa thầy và trò.

        -Xây dựng đội ngũ cốt cán có trách nhiệm và thống nhất cao trong việc xây dựng nhà trường văn hóa: Mọi công việc cần có sự trao đổi, bàn bạc trong Ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể trong trường học, các Tổ trưởng chuyên môn...tạo được không khí dân chủ, cởi mở từ đó phát huy được sự sáng tạo của đội ngũ trong việc xây dựng nhà trường văn hóa.

        -Coi trọng dân chủ trong trường học,tổ chức các diễn đàn cho thanh thiếu niên học sinh: Tạo được tinh thần dân chủ thực sự để từng cá nhân và tập thể lớp được đề xuất, được phản ánh được đóng góp ý kiến xây dựng Nhà trường...Tổ chức các diễn đàn là điều kiện tốt nhất để học sinh bộc lộ tư tưởng, tình cảm, lẽ sống của mình.

        -Tăng cường công tác tuyên truyền vận động CBGV, NV nhà trường tích cực tham gia công tác xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh.

        -Tổ chức các buổi nghe báo cáo chuyên đề, các buổi hội thảo, tọa đàm về công tác xây dựng nhà trường văn hoá theo từng thời điểm cụ thể, hợp lý.

        -Tổ chức các hội thi, các buổi giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao trong và ngoài trường nhằm xây dựng phong trào thi đua sôi nổi, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

        -Mỗi giáo viên phải tham gia có hiệu quả vào các phong trào thi đua “Giảng dạy tốt, học tập tốt, tổ chức quản lý và phục vụ đời sống tốt”theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cuộc vận động "Trung thành - Sáng tạo -Tận tuỵ- Gương mẫu", "Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm", "Đền ơn đáp nghĩa”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; “Xây dựng nếp sống văn minh trong cơ quan”; “Không hút thuốc lá trong trường học”; “Đảm bảo an toàn giao thông”; “An toàn vệ sinh lao động”; “An toàn vệ sinh thực phẩm”; Vệ sinh môi trường, xây dựng Nhà trường "Xanh - Sạch - Đẹp”, xây dựng gia đình văn hoá…

        - Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức văn hóa, mỗi giáo viên còn có nhiệm vụ giáo dục rèn luyện học sinh về mặt phẩm chất, đạo đức để học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có cách sống, cách ứng xử văn hóa.

        - Bản thân mỗi CBGV tích cực tham gia đăng ký xây dựng đơn vị có đời sống văn hóa tốt, văn minh - sạch đẹp - an toàn; vận động phụ huynh tích cực tham gia xây dựng nhà trường xanh - sạch - đẹp và văn minh.

        - Mỗi CBGV đăng ký xây dựng ít nhất một điểm sáng văn hóa tại cơ quan.

        -Cùng với các phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh cơ quan; xây dựng cơ quan "Xanh - Sạch - Đẹp" và các hoạt động xã hội khác. Qua đó mỗi giáo viên đều nhận thức được rằng chỉ có thể bằng hành động mới làm cho người lao động tự khẳng định được mình trong thực tiễn cuộc sống và công tác, do vậy mỗi thành viên trong nhà trường đều được phân công đảm nhận những công việc nhất định để phấn đấu vươn lên dần dần đạt tới mục tiêu "trường ra trường, lớp ra lớp", là nguồn động viên, cổ vũ mọi người hết lòng vì sự nghiệp "trồng người" ở trường.

        -Thường xuyên hướng học sinh phấn đấu the otiêu chí của “Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”.

        Xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường:

        -Xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò:

        + Thầy cô giáo phải hết lòng thương yêu giúp đỡ học sinh, tạo nhiều cơ hội để

các em có điều kiện gần gũi, giao tiếp, tâm sự.

+ Thể hiện được sự công bằng trong đánh giá, dành nhiều cảm thông cho học sinh bị hạn chế về học lực.

+ Thầy cô, lãnh đạo nhà trường phải hòa mình vào các buổi sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, các hoạt động GDNGLL cùng với học sinh.

+ Phải bình tĩnh, suy nghĩ chín chắn khi giải quyết các tình huống liên quan đến học sinh, để làm sao sau khi giải quyết học sinh cảm thấy mến phục, mang được tính giáo dục cao.

+ Lãnh đạo nhà trường sắp xếp thời gian để tiếp xúc nhiều với học sinh, kịp thời giải quyết mọi nguyện vọng chính đáng của học sinh.

-Xây dựng môi trường quan hệ thân thiện giữa trò và trò:

+Thầy cô giáo mà trước hết là GVCN phải kịp thời phát hiện và ngăn chặn những mâu thuẫn xảy ra giữa học sinh với nhau.

+Tạo điều kiện cho học sinh quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau khi có hoàn cảnh khó khăn, trong học tập cũng như trong rèn luyện.

+Quan tâm rèn luyện ý thức tự giác cho học sinh.

+Luôn luôn tạo cơ hội cho mỗi học sinh sửa chữa lỗi lầm.

+Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp đáng tin cậy, có uy tín với lớp.

-Xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa thầy với thầy:

+Trước hết là thực hiện tốt quy chế dân chủ trường học, công khai minh bạch các hoạt động, đặc biệt là nguồn tài chính.

+Xây dựng tốt mối quan hệ giữa các thành viên trong lãnh đạo nhà trường và với tập thể CBCNVC.

+Lãnh đạo phải đối xử thật sự công bằng với mọi người.

+Lãnh đạo tạo mọi cơ hội để cho cán bộ, giáo viên có cơ hội giao tiếp, tâm sự.

+Lãnh đạo giải quyết công việc cần nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý; phải lắng nghe dư luận để chọn lọc, tôn trọng những ý kiến của đồng nghiệp,phải biết hy sinh.

+Kịp thời chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn giữa đồng nghiệp với nhau.

+Phát huy vai trò “tổ ấm” của tổ công đoàn trong xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường

-Hiệu trưởng sử dụng 12 cách thức dưới dây để dẫn dắt, lãnh đạo phát triển VHNT:

1. Xây dựng bầu không khí dân chủ: cởi mở,hợp tác, cùng chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau; mọi người đều được tôn trọng, luôn đượccoi trọng và có cơ hội thể hiện, phát triển các khả năng của mình;

2. Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá,khen thưởng hợp lý thúc đẩy mọi người nỗ lực làm việc;

3. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường đều có bản mô tả công việc, rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ; 

4. Hiệu trưởng tăng cường dự giờ, trao đổi chuyên môn với GV đứng lớp về cách dạy và học;

5. Làm cho học sinh biết là các em được yêu thương, được quan tâm chăm sóc;

6. Cố gắng bảo đảm cho học sinh có một tương lai xứng đáng với sự đầu tư của cha mẹ các em;

7. Hiệu trưởng chia sẻ quyền lực, mạnh dạn trao quyền cho giáo viên trong đó đề cao vai trò lãnh đạo hoạt động dạy và học của giáo viên;

8. Cho mọi người thấy là bạn đang làm việc với cương vị là một hiệu trưởng, đầy nhiệt tâm, luôn trách nhiệm và đầy tình yêu thương học trò;

9. Hiệu trưởng nên có mặt thường xuyên trong trường và trong lớp học; tham dự càng nhiều những sinh hoạt của học sinh thì càng tốt;

10. Hiệu trưởng thường xuyên trau dồi kỹ năng giao tiếp; lắng nghe tất cả mọi người;

11. Khuyến khích phụ huynh học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục của trường và làm cho phụ huynh hiểu rõ vai trò của họ;

12. Hiệu trưởng luôn suy nghĩ để học hỏi,để đổi mới và nâng cao uy tín của mình trong nhà trường.

(Lưu công Lương- Chủ tịch Công đoàn,

Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn)